Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Quân ủy Bộ Chỉ huy các Lực lượng Vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Rừng Chính phủ), thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đây là nơi chứng kiến và ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Bộ Chỉ huy Miền “là cơ quan tiền phương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng” có nhiệm vụ theo dõi, nghiên cứu tình hình chiến sự ở miền Nam, tham mưu kịp thời cho Quân ủy Trung ương đề ra những quyết sách mang tầm chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng miền Nam. Đồng thời,
Bộ Chỉ huy Miền trực tiếp lãnh đạo các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam cùng với quân dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Đây cũng là nơi sống và làm việc của các đồng chí lãnh đạo
Bộ Chỉ huy Miền trong thời gian từ năm 1972 đến 1975, tiêu biểu như: Đại tướng Lê Đức Anh - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Đồng chí Phạm Hùng - Chính ủy Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Thượng tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Đại tướng Hoàng Văn Thái - Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh...
Quá trình xây dựng Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại sóc Tà Thiết, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước:
Ngày 31/01/1961, Tổng Quân ủy ra chỉ thị thống nhất các lực lượng vũ trang ở miền Nam thành “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam”, một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 15/02/1961, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam làm lễ ra mắt tại Chiến khu Đ. Cùng với đó, cơ quan chỉ huy được thiết lập từ miền đến khu, tỉnh, huyện, xã, cao nhất là Ban Quân sự Miền (thành lập trên cơ sở phát triển tổ chức Ban Quân sự liên khu ủy miền Đông Nam Bộ). Ban Quân sự Miền - tổ chức tiền thân của
Bộ Chỉ huy Miền (tháng 10/1963) và Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng (từ tháng 3/1971- 7/1976), trực thuộc Trung ương Cục miền Nam, tham mưu cho Trung ương Cục và trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân trên chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên.
Tháng 9/1961, Trung ương Cục quyết định dời cơ quan lãnh đạo Trung ương Cục, Ủy ban Trung ương Mặt trận và Ban Quân sự Miền từ Khu A về Khu B, đặt căn cứ tại vùng Trảng Chiên, Xa Mát, Lò Xo, Bắc Tây Ninh, khu vực giáp biên giới Việt Nam - Capuchia. Tháng 3/1965,
Bộ Chỉ huy Miền di chuyển về căn cứ mới là Bà Chiêm - Sóc Con Trăng.
Năm 1970, để hình thành hệ thống liên hoàn căn cứ Miền trong tình hình mới, tạo thế trận liên minh Việt Nam - Campuchia, chiến đấu chống kẻ thù chung,
Bộ Chỉ huy Miền rút một phần lực lượng ở chiến trường miền Nam sang Campuchia, xây dựng thành các “khu căn cứ” trực thuộc. Ngày 18/3/1971,
Bộ Chỉ huy Miền đổi tên thành Bộ Tư lệnh Miền. Sau đó, Bộ Tư lệnh Miền đã di chuyển căn cứ từ Bà Chiêm - Sóc Con Trăng và các khu căn cứ từ Campuchia về sóc Tà Thiết, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) – địa điểm cuối cùng của Bộ Tư lệnh Miền (giai đoạn 1973 - 1975).
Từ đầu năm 1973, căn cứ Tà Thiết được xây dựng hoàn thiện, chia làm hai khu vực, vòng trong và vòng ngoài. Vòng trong bao gồm Bộ Tư lệnh, Cục Tham mưu Cục Chính trị, cơ quan Chủ nhiệm Hậu cần và một số nhà khách được dùng để đón khách từ Trung ương Cục sang làm việc. Toàn bộ khu vực vòng trong tập trung dọc hai phía Tây và Đông suối Khơlay, xung quanh sóc Tà Thiết. Vòng ngoài dịch về phía các xã Lộc Thành, Lộc Tấn, gồm các bộ phận trực thuộc các Cục, như Trường huấn luyện, Bệnh viện, Thông tin… Ngoài ra, các cơ quan hậu cần, các kho hậu cần thuộc Cục Hậu cần Miền được bố trí tại nhiều khu vực ở các xã Lộc Quang, Lộc Hòa, Lộc Hiệp, Lộc Tấn - những địa điểm gần với tuyến đường vận tải chiến lược đường 559 (đường Trường Sơn), thuận tiện cho công tác đón nhận hàng hóa chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã chỉ đạo, đóng góp nhiều chiến công trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, tiêu biểu như một số trận đánh, chiến dịch: Tiêu diệt yếu khu Bù Bông - chi khu Kiến Đức năm 1973, mở rộng hành lang vận chuyển chiến lược đường Trường Sơn vào Nam Bộ; Trực tiếp chỉ đạo đánh tổng kho xăng dầu Nhà Bè “dạ dày chiến tranh” lớn nhất của địch ở miền Nam vào tháng 11/1973; chỉ đạo Chiến dịch Tây Bến Cát tháng 5/1974; Giải phóng đường 14 - Phước Long, tạo thế, tạo lực mới cho cách mạng miền Nam, củng cố kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam; Tiếp tục chỉ đạo, chỉ huy nhằm tạo thế, tạo lực và tạo thế trận cho chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn - Gia Định và hoàn toàn miền Nam; Phối hợp chỉ đạo tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh đầu tháng 4/1975.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hầu hết các công trình của căn cứ đã bị hư hỏng, được trùng tu, khôi phục lại. Hiện nay, di tích phân bố trong rừng Tà Thiết, với tổng diện tích 380ha, chia làm ba cụm chính:
- Cụm ngoài gồm Nhà ở của Thượng tướng Trần Văn Trà và Hầm chữ A.
- Cụm giữa gồm Bếp Hoàng Cầm, Hầm Giao ban, Nhà ở của Thiếu tướng Lê Văn Tưởng, Nhà ở của Chính ủy Phạm Hùng.
- Cụm cuối gồm có: Hội trường, Nhà Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Nhà Trung tướng Lê Đức Anh.